CÓ NÊN SỬ DỤNG NÚM TI GIẢ KHÔNG? DÙNG NHƯ THẾ NÀO LÀ ĐÚNG?

MỤC LỤC [Hiện]

Việc mút mát giúp trẻ cảm thấy an toàn, kéo dài giấc ngủ và ngủ qua đêm dễ dàng hơn. Núm giả là vật dụng được rất nhiều các mẹ sử dụng cho bé yêu vì núm giả giúp trẻ hạn chế những cơn cáu kỉnh, gắt ngủ của trẻ. Bên cạnh đó, còn có một số mẹ cũng băn khoăn không biết liệu núm giả có an toàn cho trẻ hay không. Những chia sẻ dưới đây sẽ phần nào giúp mẹ giải đáp được những thắc mắc liên quan đến việc có cho bé dùng núm giả.

Núm ti giả là gì?

Núm ti giả là loại núm ti được làm từ chất liệu cao su hoặc silicon an toàn đối với bé. Núm ti có rất nhiều dáng chuẩn như: núm ti, lá chắn miệng, tay cầm để tránh cho bé đỡ bị nghẹt thở hoặc nuốt phải. Ti giả được mô phỏng theo núm vú của mẹ đem lại sự gần gửi cho bé thơ.

 

Tác dụng của núm ti giả

Những lợi ích và tác hại khi bé sử dụng núm ti là gì?

 

Tác dụng có lợi với bé

  • Núm ti giả sẽ được mô phỏng theo núm ti của mẹ nên việc ngậm núm ti giả có thể làm giảm bớt thời gian ngậm ti mẹ mà không có nhu cầu bú sữa, đặc biệt là ở những trẻ có thói quen vừa ngậm ti vừa ngủ.
  • Núm ti giả được nhiều mẹ sử dụng giúp bé tự ngủ, dễ đi vào giấc ngủ hơn (phương pháp Easy). Vì nhiều trẻ khó có thể tự nằm ngủ mà không cần ti mẹ hay ru ngủ nên mẹ lựa chọn phương pháp Easy rèn cho bé tự ngủ với núm giả.
  • Bé quấy khóc do đói nhưng ba mẹ chưa thể cho bé ăn thì việc dùng núm ti giả có thể giúp bé đỡ khóc và mẹ có thể xử lý hoàn thành việc đang làm.
  • Nếu bé đã được ăn no, không đau ốm, bỉm sạch và đã được vỗ ợ hơi đầy đủ mà bé vẫn khóc thì núm ti giả rất có ích trong việc trấn an bé lúc này. Mặt khác, nếu ba mẹ không hiểu rõ bé lúc này rất hay lầm tưởng rằng bé vẫn đói và cho bé ăn thêm dẫn đến nôn trớ và các vấn đề khác.
  • Ti giả còn là một trong các yếu tố giúp giảm thiểu rủi ro đột tử ở trẻ sơ sinh. Ti giả giúp đường thở của bé luôn mở, tránh nguy cơ ngạt khi thở.

Tác dụng có hại với bé

  • Khi cho trẻ dùng ti giả quá sớm sẽ khiến bé khó phân được đâu là ti mẹ đâu là ti giả, ảnh hưởng đến quá trình bú mẹ của bé.
  • Dùng núm ti giả tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tai giữa.
  • Nếu dùng ti giả sớm và quá lâu bé sẽ gặp vấn đề về răng miệng, răng cửa của bé sẽ có nguy cơ bị mọc xiên hay có khi còn ảnh hưởng đến cấu tạo hàm trên, từ đó gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của răng. Bên cạnh đó, khi ngậm núm giả sẽ làm tăng tiết nước bọt nên hình thành nhiều cao răng hơn, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn răng miệng.
  • Lưỡi trẻ khi mút núm vú giả sẽ ở tư thế thấp xu hướng đưa ra phía trước làm miệng hở và hàm dưới đưa ra.
  • Trẻ thường nuốt phải không khí vào dạ dày khi dùng núm ngậm. Quá nhiều không khí trong dạ dày sẽ khiến trẻ đầy bụng.
  • Khi đã cho bé ngậm vú giả thì bé sẽ phụ thuộc vào núm, nếu không có núm vú bé sẽ không chịu ngủ hay rất khó chịu. Đặc biệt, khi cần dừng thì sẽ phải cai núm giả, việc cai núm giả có thể không dễ dàng đối với trẻ.
  • Nếu núm giả không được vệ sinh thường xuyên và đúng cách thì dễ làm bé bị viêm họng hay tiêu chảy.

Những lưu ý khi dùng núm ti giả là gì?

Những lợi ích và tác hại đã được nêu ở trên, nếu ba mẹ vẫn muốn cho bé dùng ti giả thì cần chú ý một số điều sau:
  • Khi bé được khoảng 6 – 8 tuần, mẹ có thể bắt đầu cho bé ngậm ti giả. Không cho bé dùng ti giả trong 3 – 4 tuần đầu sau sinh bởi lúc này, bé cần làm quen với vú mẹ và giúp sữa mẹ về nhiều hơn.
  • Mẹ có thể cho bé ngậm trong thời gian đầu để dễ ngủ và tránh đột tử nhưng nên tránh lạm dụng và cố gắng đừng để trẻ phụ thuộc.
  • Chọn ti giả cho trẻ sơ sinh đúng kích cỡ với độ tuổi và miệng của trẻ. Chọn những nhãn hiệu uy tín, không chứa BPA – hợp chất phổ biến trong sản xuất đồ nhựa có thể phát triển một số bệnh lý nguy hiểm như ung thư, tiểu đường, béo phì …
  • Vệ sinh núm vú giả bằng nước ấm hoặc bằng máy tiệt trùng trước và sau khi dùng để tránh bé bị mắc các bệnh về đường hô hấp hoặc nhiễm trùng đường ruột.
  • Thay núm vú giả thường xuyên, thường là sau 30 - 40 ngày.
  • Không cho bé ngậm ti giả khi ngủ để hạn chế trường hợp bé bị viêm tai giữa và các bệnh liên quan.

Dùng núm ti giả cho bé mới bắt đầu

Ti giả sẽ dùng chủ yếu trong các việc như bé tự đi ngủ, bé tỉnh giấc giữa chừng và khi giãn cữ các bữa ăn.

Cách cho bé làm quen với ti giả

Cái gì cũng thế, mới đầu cần phải mất thời gian làm quen. Sau khi chọn được kích cỡ ti giả phù hợp với bé, các mẹ cho bé làm quen với ti giả như sau:

  • Đầu tiên mẹ đặt ti giả chạm má, rồi hơi di di một chút lên môi bé. Bé là người quyết định có nút ti hay không.
  • Nếu bé phun ra một vài lần, mẹ hãy nhúng nó vào sữa công thức hoặc sữa mẹ.

Lưu ý: Không bao giờ nhúng ti giả vào các chất có đường như mật ong. Điều này gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bé và có thể hình thành 1 thói quen xấu cho bé.

Cách dạy bé giữ ti giả

Ba mẹ có thể dạy bé giữ ti giả trong miệng như sau:

  • Khi bé bắt đầu mút ti giả, mẹ hãy hơi kéo nhẹ ti ra như thế muốn lấy ti ra khỏi miệng bé. 
  • Lúc này bé sẽ mút mạnh hơn và nhanh chóng giữ trong miệng.
  • Lặp đi lặp lại trong khoảng 10 - 20 phút bất cứ khi nào mẹ cho bé dùng ti giả.

Lưu ý: Nên tập cho bé khi bé còn thức để tránh bé cáu gắt, khó chịu

Cách cai ti giả cho bé

Tùy vào độ tuổi mà tình trạng của bé, mẹ sẽ quyết định xem bao giờ sẽ cai ti giả cho bé, thường thì sẽ là 1 - 3 tuổi. 

Trong giai đoạn này, mẹ cần phải kiên quyết, kiên nhẫn. Một số mẹo để giúp bé cai ti giả mà mẹ có thể tham khảo.

  • Làm hỏng ti giả: Đây là cách đơn giản và dễ thực hiện nhất. Mẹ có thể cắt hỏng ti giả và tâm sự với con ti đã hỏng, con không thể sử dụng chúng được nữa. Lưu ý: mẹ tuyệt đối không được cho trẻ sử dụng lại ti giả đã cắt xén vì rất dễ gây hóc khi con nhai ti giả và nuốt phải những mảnh vụn, mẹ nhé.
  • Thu hẹp dần thời gian bé có thể ngậm ti: những lúc con ngủ, hoặc đang mải chơi đồ chơi, mẹ có thể ngưng cho con sử dụng ti giả. Bên cạnh đó, mẹ có thể làm lơ một vài lần con đòi ti giả, để con dần quen với số lần sử dụng ít đi.
  • Hình thành thói quen mới: Mẹ có thể "đánh lạc hướng" con bằng cách thu hút sự chú ý của con bằng những đồ chơi mới, bắt mắt và đa dạng hơn. Mẹ cũng có thể đưa con ra ngoài hoạt động thể chất nhiều hơn. Tuy nhiên, mẹ nên hạn chế số lần "đánh lạc hướng" của con bằng các món ăn vặt, mẹ nhé!
  • Dùng biện pháp “mạnh”: Phương pháp này không dành cho những mẹ "yếu tim", nhưng đây là cách nhanh nhất để đạt được kết quả. Mẹ cần dứt khoát trước những lần bé xin ti giả và nhất quyết không đưa cho bé đến khi con chấp nhận được thói quen mới này.

Hướng dẫn vệ sinh ti giả

Trước lần sử dụng đầu tiên, mẹ hãy rửa sạch núm bằng xà phòng và nước sạch, tốt nhất nên sử dụng xà phòng chuyên dụng để rửa núm vú, bình sữa, có thành phần an toàn với trẻ. 
Sau mỗi lần sử dụng ti giả cho bé, mẹ hãy rửa sạch và tiệt trùng thật kỹ bằng cách luộc bằng nước sôi hoặc dùng máy tiệt trùng. Để núm ti giả khô tự nhiên, sau đó, cất tại nơi sạch sẽ, khô ráo. Mẹ cũng có thể ngâm núm ti giả vài phút mỗi ngày trong hỗn hợp nước với giấm trắng (tỉ lệ 1:1) để ngăn ngừa sự phát triển của vi nấm. Sau đó rửa sạch và để núm vú khô tự nhiên.
Trong trường hợp núm vú bị rơi, bạn cần rửa sạch và tiệt trùng rồi mới cho trẻ dùng tiếp.

Những trường hợp nào nên tránh cho bé ngầm ti giả?

Nếu gặp những trường hợp sau đây, mẹ nên cho bé dùng ti giả ít nhất cho đến khi vấn đề được giải quyết ổn thỏa:
  • Việc sử dụng núm ti giả làm giảm tần suất hoặc thời gian bú của bé (trẻ sơ sinh nên bú ít nhất từ 8 - 12 lần một ngày)
  • Bé gặp khó khăn khi bú (có thể nhầm lẫn núm vú của bé)
  • Mẹ đang gặp vấn đề về nguồn sữa (trong trường hợp mẹ cần bé bú sữa mẹ để tăng nguồn sữa)
  • Mẹ hoặc bé bị tưa miệng
  • Bé đang bị nhiễm trùng tại lặp đi lặp lại

5 nguyên tắc khi dùng ti giả

Đừng ép bé ngậm ti giả

Mẹ hãy để con quyết định thay vì cứ đưa trực tiếp ti giả vào miệng bé. Nếu con nhận ngay thì không sao nhưng nếu con từ chối thì mẹ cũng đừng nên ép. Mẹ có thể thử lại lần sau hoặc đơn giản là tìm cách khác để bé vui vẻ và thích thú hơn.
 

Hạn chế dùng núm ti giả khi bé đói

Cách sử dụng ti giả tốt nhất là bạn nên cho bé ngậm giữa các bữa ăn khi biết chắc là con không đói và tránh sử dụng vật dụng này như một cách để trì hoãn việc cho bé bú hoặc thay thế sự quan tâm, chăm sóc của mẹ.
 

Không phụ thuộc vào ti giả để dỗ dành bé

Lúc con quấy khóc, trước tiên mẹ hãy cố gắng dỗ bằng những cách khác, chẳng hạn như âu yếm, ẵm bé lên hoặc ca hát rồi hẵng nghĩ đến việc dùng núm vú giả.
 

Thận trong khi đeo núm vú bên người bé

Bố mẹ đừng buộc ti giả quanh cổ hoặc để trên nôi của con. Bé có thể vô tình siết cổ mình lại bằng những dây buộc đó. Sẽ an toàn hơn nếu bạn gắn núm vú giả vào quần áo của bé với một cái kẹp đặc biệt được chế tạo dành riêng cho việc này.
 

Thời điểm không nên cho bé ngậm ti giả

Bạn có thể dùng núm ngậm cho bé khi bé được 6 – 8 tuần (khoảng 1,5 – 2 tháng tuổi). Lúc này, lượng sữa bú tăng lên, bé dễ đói hay mè nheo nên việc dùng ty giả cho trẻ sơ sinh có thể giúp bé bớt khó chịu.

Ở 3 – 4 tuần đầu sau sinh, mẹ không nên cho bé dùng núm ty giả vì lúc này bé cần tiếp xúc và bú mẹ thường xuyên để làm quen và giúp mẹ kích thích sữa về nhiều hơn.

Ngoài ra, khi dùng núm ty giả cho bé, mẹ cần tập cho trẻ ngậm núm giả từ từ. Lúc đầu, bé có thể hào hứng nhưng khi phát hiện núm vú giả không giống vú mẹ, bé sẽ cáu gắt.

Những lưu ý khi dùng núm ti giải

  • Không sử dụng núm giả có các bộ phận đính kèm (như những loại núm có gắn ria mép hoặc các miếng nhỏ khác). Mặc dù nó khá đáng yêu, nhưng nếu các bộ phận đó không được thiết kế gắn liền với ti giả, nó có thể rơi ra và gây nguy hiểm nghẹt thở cho bé.
  • Không bao giờ nhúng núm giả vào chất có đường như mật ong, vì nó không tốt cho nướu và răng đang phát triển cho bé.
  • Không bao giờ sử dụng núm ti bình sữa làm núm ti giả.