Hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ, những lợi ích dành cho mẹ và bé

MỤC LỤC [Hiện]

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nên nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Vì sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ.

Từ 6 tháng tuổi trở đi, vẫn tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ kết hợp với việc ăn dặm đầy đủ các nhóm thực phẩm để tăng cường dinh dưỡng. Tùy thuộc vào nhu cầu thực tế, tình trạng sức khỏe của trẻ mà mẹ có thể tiếp tục cho bú tới 24 tháng tuổi rồi tiến hành cai sữa.

Nuôi con bằng sữa mẹ là gì?

Việc nuôi con bằng sữa mẹ là hoàn toàn cho bé bú sữa mẹ trong giai đoạn 6 tháng đầu đời mà không cần bổ sung bất kỳ thực phẩm nào khác, thậm chí không cần uống nước. Sau đó, từ 6 tháng trở lên, bé nên được bổ sung thực phẩm đầy đủ các nhóm dinh dưỡng và vẫn bú sữa mẹ. Mẹ có thể tiếp tục cho bé bú sữa mẹ cho đến khi bé đủ 24 tháng tuổi tùy thuộc vào nhu cầu và tình trạng sức khỏe của bé, sau đó thực hiện cai sữa.

Thành phần dinh dưỡng trong sữa mẹ

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh với sự kết hợp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để giúp bé phát triển khỏe mạnh.

Trong sữa non

Sữa non là sữa được tiết ra trong vài giờ đầu cho đến hết tuần sau sinh. Sữa non có độ đặc và màu vàng nhạt. Nó rất giàu chất đạm, kháng thể, bạch cầu và vitamin A. Lượng đạm trong sữa non tăng gấp 10 lần so với sữa trưởng thành. Nó chứa các kháng thể quý giá như IgA, IgG, IgM, IgD, và một số chất chống nhiễm trùng như interferon và fibronectin, cũng như tế bào miễn nhiễm như bạch cầu trung tính 50%, đại thực bào 40%, lymphocyte 10%. Bé sẽ không bị mắc các bệnh như sởi, ho, gà, ít bị viêm đường hô hấp và tiêu chảy nếu được bú sữa non sớm ngay sau sinh và bú trong 6-9 tháng đầu. Sữa non còn chứa rất nhiều vitamin A, giúp trẻ ít bị nhiễm khuẩn nặng và phòng ngừa bệnh khô mắt. Ngoài ra, sữa non còn có tác dụng xổ nhẹ giúp giải quyết tình trạng mất lớp bì đỏ và đường tiêu hóa, hạn chế tình trạng vàng da ở trẻ sơ sinh.

Trong sữa mẹ

Các thành phần dinh dưỡng quý giá trong sữa mẹ bao gồm:

  1. Protein: Sữa mẹ cung cấp protein cần thiết để giúp trẻ phát triển cơ bắp và tăng trưởng.

  2. Chất béo: Chất béo trong sữa mẹ giúp cung cấp năng lượng cho bé và hỗ trợ cho sự phát triển của hệ thần kinh.

  3. Carbohydrate: Carbohydrate trong sữa mẹ làm tăng năng lượng cho bé và giúp giữ cho hệ tiêu hóa của bé khỏe mạnh.

  4. Vitamin và khoáng chất: Sữa mẹ chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất như vitamin A, D, E, K, canxi và sắt giúp hỗ trợ sự phát triển của bé.

  5. Chất kháng thể: Sữa mẹ chứa các chất kháng thể giúp bảo vệ trẻ khỏi các bệnh nhiễm trùng.

Các thành phần dinh dưỡng này rất quan trọng với sự phát triển và tăng trưởng của bé, vì vậy việc cho bé bú sữa mẹ trong giai đoạn đầu đời rất quan trọng.

 

Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ

Đối với trẻ

Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ là mang đến cho trẻ nguồn dinh dưỡng tuyệt vời nhất bao gồm:

– Cung cấp dinh dưỡngSữa mẹ cung cấp gần như đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ như: vitamin, khoáng chất, đạm, protein và chất béo… Bên cạnh đó, sữa mẹ chứa nhiều đạm dễ tiêu hóa và các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ được chia tỉ lệ hợp lý để kích thích đường ruột làm việc một cách hiệu quả nhất, giúp trẻ hấp thụ dinh dưỡng tối đa, nhất là trong giai đoạn sơ sinh khi hệ tiêu hóa vẫn chưa hoàn thiện.

– Cung cấp kháng thể tự nhiên vô giá: Sữa mẹ có chứa nhiều kháng thể giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ để chống lại sự tấn công của virus và vi khuẩn. Đặc biệt sữa mẹ là một thực phẩm hoàn toàn sạch, bé lại uống ấm trực tiếp luôn nên rất đảm bảo vệ sinh, an toàn khi bé bú.

Sữa mẹ có chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu đối với sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

– Giảm nguy cơ mắc bệnh: Nghiên cứu đã cho thấy, trẻ bú sữa mẹ giúp giảm nguy cơ dị ứng, sâu răng, giúp phát triển xương hàm, răng, giọng nói, khuôn mặt tốt hơn. Đặc biệt, sữa mẹ giàu dinh dưỡng nhưng việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ lại không khiến bé tăng cân quá mức gây thừa cân, béo phì, đặc biệt là trong hai năm đầu đời.

Đồng thời, trẻ bú sữa mẹ cũng giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh như: Viêm tai giữa, bệnh về đường hô hấp, cảm lạnh, nhiễm tụ cầu, rối loạn đường ruột, tiểu đường, đái tháo đường, huyết áp. Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cũng cho biết, việc cho con bú sữa mẹ còn đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.

– Giúp trẻ thông minh hơn: Nghiên cứu chỉ ra rằng, nuôi con bằng sữa mẹ giúp trẻ có chỉ số IQ cao hơn trong thời thơ ấu. Nguyên nhân là do sữa mẹ rất giàu HMO – thành phần giúp nuôi dưỡng hệ vi sinh đường ruột, giúp trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Khi hệ tiêu hóa khỏe mạnh sẽ giúp tăng cường sự liên kết thần kinh, làm cho não hoạt động tốt hơn, từ đó trẻ thông minh hơn. Ngoài ra, sữa mẹ còn giàu DHA, thành phần quan trọng nhất cho sự phát triển trí não của trẻ.

– Giúp trẻ gần gũi với mẹ hơn: Việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ tạo ra sự gần gũi về thể chất khi mẹ vừa tiếp xúc da thịt vừa giao tiếp bằng mắt với con. Điều này giúp tạo ra sự gắn kết giữa mẹ và bé, mang đến cảm giác an tâm hơn cho trẻ.

Đối với mẹ 

Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ không chỉ tốt cho trẻ nhỏ mà còn mang đến nhiều lợi ích cho mẹ như:

– Hỗ trợ giảm cân: Việc cho con bú sẽ đốt cháy nhiều calo hơn, từ đó giúp mẹ giảm cân nhanh hơn.

– Giúp tử cung co lại nhanh hơn: Thời kỳ mang thai, tử cung phải giãn ra để đáp ứng sự phát triển của thai nhi và dần co lại sau khi em bé ra đời. Khoa học đã chứng minh, khi cho con bú, lượng hormone oxytocin trong cơ thể người mẹ sẽ tăng cao, giúp co thắt tử cung, giảm chảy máu, để tử cung sớm trở lại kích thước như trước khi mang thai.

– Giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh: Trầm cảm sau sinh (PPD) có thể xuất hiện ngay sau khi sinh con. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, phụ nữ cho con bú có thể  ít bị trầm cảm sau sinh hơn so với những không nuôi con bằng sữa mẹ hoặc cai sữa sớm.

– Giảm nguy cơ mắc bệnh tật: Các nhà khoa học đã chứng minh, tổng thời gian người mẹ cho con bú có liên quan mật thiết đến việc giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng. Việc cho con bú sớm sau khi sinh có thể giúp tuyến sữa của mẹ được thông suốt, hạn chế nguy cơ bị ung thư vú, viêm tắc vú,…

Thêm vào đó, phụ nữ cho con bú ít có nguy cơ mắc phải các bệnh như huyết áp cao, viêm khớp, mỡ máu cao, tim mạch và tiểu đường tuýp 2.

– Giảm nguy cơ loãng xương: Cơ thể mẹ tuy cần nhiều calcium cho việc tạo sữa nhưng người ta nhận thấy rằng khi cai sữa cho trẻ, mật độ xương sẽ trở về như trước khi mang thai, thậm chí còn cao hơn. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, các bà mẹ không cho con bú có nguy cơ gãy xương chậu sau mãn kinh cao hơn so với các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ.

 

Tần suất và thời gian cho con bé bú 

Các phụ nữ cần khuyến khích cho con bú ngay khi đứa trẻ có dấu hiệu đói, như khi trẻ thức dậy, tìm kiếm vú mẹ hoặc mút tay, môi và lưỡi. Hầu hết trẻ sơ sinh không khóc nếu chưa thực sự đói, vì vậy mẹ nên bú bé sớm, không đợi đến khi trẻ khóc mới cho bú.

Trẻ sơ sinh thường sẽ bú từ 8 đến 12 lần trong ngày trong 1-2 tuần đầu tiên. Một phần số trẻ sơ sinh đòi bú thường xuyên (khoảng 30 - 60 phút mỗi lần), trong khi số khác có thể cần được đánh thức hoặc kêu gọi để thức dậy để sau đó bú. Các bậc cha mẹ có thể đánh thức trẻ bằng cách thay tã hoặc chạm nhẹ vào bàn chân. Trong tuần đầu sau sinh, hầu hết các bác sĩ khuyến khích đánh thức bé trong giấc ngủ mỗi 4 giờ để cho bé bú.

Thời gian cho trẻ bú khác nhau, đặc biệt trong vài tuần đầu sau sinh. Một số trẻ sơ sinh chỉ cần khoảng 5 phút, trong khi những bé khác có thể cần đến 20 phút hoặc hơn. Các chuyên gia thường khuyến khích mẹ nên cho trẻ bú trong bao lâu tùy theo sự chủ động của trẻ.

Không cần thiết phải đổi bên giữa buổi bú. Nếu vắt cạn sữa một bên ngực, trẻ sẽ tiêu thụ được sữa có hàm lượng chất béo cao hơn.

Sau khi bú xong, hầu hết trẻ sơ sinh sẽ thả núm vú, thả lỏng cơ mặt và bàn tay. Trẻ sơ sinh dưới 2 - 3 tháng có thể ngủ gật trong khi bú, thậm chí ngủ khi chưa bú xong. Trong trường hợp này, mẹ nên đánh thức bé và động viên bé để kết thúc việc bú. Sau khi bú xong một bên vú, hãy đưa ra bên còn lại mặc dù bé không còn thèm bú nữa.

Mỗi đứa trẻ đều khác nhau, thậm chí con bạn có thể thay đổi cảm giác đói vào các khoảng thời gian khác nhau. Bậc cha mẹ nên cho bé bú thường xuyên hơn khi bé đang thích thú.

Những khó khăn khi cho con bú

  • Không đủ sữa: Muốn có được nhiều sữa bà mẹ cần cho con bú sớm ngay sau khi sinh, cho con bú nhiều lần, bú đúng cách để kích thích phản xạ tiết sữa và phun sữa. Nên cho trẻ bú nhiều vào ban đêm cũng là một cách để tăng cường sự tạo sữa. Nếu bà mẹ phải đi làm, không có điều kiện cho con bú thường xuyên thì bà mẹ phải vắt sữa thường xuyên để kích thích vú tạo sữa.
  • Nứt núm vú: Thường do nguyên nhân trẻ ngậm bắt vú sai. Nếu trẻ ngậm bắt vú sai, trẻ sẽ kéo núm vú vào và đẩy ra trong khi mút bú, đồng thời chà xát da của núm vú lên miệng trẻ. Điều này làm cho bà mẹ rất đau, sau nhiều lần bú kiểu này, da ở núm vú sẽ bị tổn thương gây nứt núm vú. Xử trí bằng cách thực hiện ngậm bắt vú đúng, triệu chứng đau sẽ giảm đi.
  • Cương tức vú: Nguyên nhân: Không cho trẻ bú sớm, bú thường xuyên, ngậm bắt vú sai, hạn chế thời gian mỗi bữa bú. Phòng ngừa bằng cách cho trẻ bú sớm, bú thường xuyên và giúp trẻ ngậm bắt vú đúng. Xử trí bằng cách: Nếu trẻ bú được thì phải cho trẻ bú thường xuyên, nếu trẻ không bú được thì phải vắt sữa bằng tay hoặc dùng bơm hút sữa. Trước khi cho bú dùng gạc ấm đắp lên vú. Sau khi cho bú thì dùng gạc lạnh để giảm phù nề.
  • Tắc ống dẫn sữa và viêm vú: Khi ống dẫn sữa bị tắc làm sữa bị ứ trệ gây ra viêm vú, có thể viêm từ không nhiễm trùng đến viêm nhiễm trùng. Xử trí: trước hết phải cải thiện sự lưu thông ở ống dẫn sữa sau đó tìm nguyên nhân để giải quyết nếu sau 24 giờ các triệu chứng không giảm phải điều trị thêm bằng thuốc kháng sinh, giảm đau và nghỉ ngơi hoàn toàn.
  • Núm vú phẳng và bị tụt vào trong: Xử trí trước đẻ thường không có giá trị, ngay sau khi đẻ phải giúp bà mẹ tin tưởng rằng trẻ bú từ vú chứ không phải từ núm vú, giúp bà mẹ cho trẻ ngậm vú đúng, cố gắng cho trẻ bú ở những tư thế khác nhau. Giúp bà mẹ làm cho vú dài ra bằng cách sử dụng bơm hút đầu vú ra.

Chăm sóc nguồn sữa mẹ.

Chế độ nghỉ ngơi, lao động của bà mẹ cho con bú

  • Trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ, người mẹ cần có thêm năng lượng để tạo sữa, có thời gian để nghỉ ngơi, lao động vừa phải. Nếu phải lao động nhiều mà ăn uống không đủ bà mẹ sẽ phải sử dụng chất dinh dưỡng dự trữ trong các mô của cơ thể để tạo sữa và vận động; bà mẹ sẽ bị suy dinh dưỡng.
Chế độ dinh dưỡng của bà mẹ nuôi con bú
  • Bà mẹ ăn uống đầy đủ sẽ có đủ sữa và chất lượng sữa tốt cho con bú.
  • Chú ý ăn thêm các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như tôm, cua, cá, trứng, sữa, thịt, đậu đỗ, lạc vừng, rau xanh và quả chín.
  • Nên ăn nhiều bữa và ăn nhiều hơn bình thường.
  • Uống nhiều nước (1,5 đến 2 lít/ngày) vì cơ thể cần nhiều nước cho sự tiết sữa.
  • Không nên ăn các loại thức ăn nhiều gia vị (ớt, tiêu, hành tỏi).
  • Không uống rượu, cà phê và hút thuốc lá.
  • Chỉ dùng thuốc khi có sự hướng dẫn của cán bộ y tế
  • Sau 6 tháng tránh thai tự nhiên, người phụ nữ có thể sử dụng một biện pháp tránh thai, nhưng không nên sử dụng thuốc uống tránh thai có Estrogen. Thay vào đó, có thể sử dụng thuốc có Progestogen vì không ảnh hưởng tới quá trình tạo sữa.
Bú sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tối ưu cho trẻ và mang lại lợi ích cho cả mẹ và con. Trẻ cần được bú sữa non và được cho bú sớm ngay sau khi sinh trong vòng một giờ. Nên nuôi trẻ bằng sữa mẹ toàn bộ trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục cho bé tiếp xúc với sữa mẹ đến 24 tháng tuổi.