NHỮNG DẤU HIỆU THIẾU CANXI DỄ NHẬN BIẾT NHẤT VÀ CÁCH BỔ SUNG CANXI CHO BÉ
-
Người viết: Mẹ Ơi
/
MỤC LỤC [Hiện]
Canxi là chất rất phổ biến và được mọi người nhắc đến rất nhiều. Vậy canxi có vai trò như thế nào với bé? Những dấu hiệu nhận biết bé bị thiếu canxi và cách bổ sung hợp, rất đơn giản sẽ có trong bài này. Các mẹ hãy đọc và tham khảo nhé!
CANXI CÓ QUAN TRỌNG KHÔNG?
Canxi là một dưỡng chất giữ vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể trẻ. Vai trò nổi bật nhất của canxi là giúp hệ xương chắc khỏe, ngoài ra canxi cũng giúp cơ thể theo nhiều cách khác nhau
- Tham gia cấu tạo xương và răng, tạo nên bộ khung chắc chắn nâng đỡ cơ thể. Chúng ta chỉ có một cơ hội để xây dựng hệ xương chắc khỏe là thời điểm chúng ta còn ở tuổi trẻ em và thanh thiếu niên. Trẻ em có đủ Canxi sẽ bắt đầu cuộc sống trưởng thành với hệ xương chắc khỏe nhất có thể. Điều đó bảo vệ chúng ta chống lại bệnh còi xương lúc nhỏ và loãng xương khi về già.
- Canxi giữ cho các dây thần kinh hoạt động: Canxi tham gia vào quá trình dẫn truyền thần kinh với vai trò là chất dẫn truyền trung gian các tín hiệu thần kinh. Nếu thiếu Canxi, thần kinh dễ bị ức chế và giảm khả năng điều hòa.
- Canxi tham gia điều khiển hoạt động của cơ: Canxi đóng vai trò quan trọng trong sự co giãn các cơ, trong đó có cơ tim và các cơ trơn nội tạng. Nó cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ cho tim mạch khỏe mạnh.
- Tham gia vào hoạt động miễn dịch: Canxi kích hoạt các tế bào miễn dịch di chuyển, bao vây và tiêu diệt các tác nhân gây hại cho cơ thể. Do đó, Canxi cũng góp phần làm tăng sức đề kháng của cơ thể.
THIẾU CANXI SẼ ẢNH HƯỞNG NHƯ THẾ NÀO ĐẾN BÉ?
- Còi xương: Canxi chính là thành phần chủ yếu cấu tạo xương. Nếu bị thiếu canxi, khung xương của trẻ sẽ không được phát triển tối đa, từ đó gây ra tình trạng còi xương. Trẻ bị thiếu canxi thường còi cọc, hệ xương kém phát triển nên chiều cao hạn chế hơn so với các trẻ cùng lứa tuổi
- Suy dinh dưỡng: Canxi cũng có nhiệm vụ kết hợp với các loại enzyme để phân giải thức ăn giúp cơ thể hấp thu dinh dưỡng một cách tốt nhất. Chính vì thế, nếu thiếu canxi, khả năng hấp thụ dinh dưỡng của trẻ cũng kém hơn nhiều và khiến trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.
- Biến dạng xương: Khung xương là nơi tập trung nhiều canxi và có vai trò nâng đỡ toàn bộ cơ thể. Do đó, nếu cơ thể bị thiếu canxi, nhất là bị thiếu canxi trong giai đoạn khung xương đang phát triển thì sẽ khiến cho khung xương bị yếu hoặc có thể bị biến dạng khi trẻ tập đi, mang đồ vật hoặc đùa nghịch. Đây cũng chính là lý do vì sao những trẻ bị thiếu canxi thường bị chân vòng kiềng, vong, vẹo cột sống,…
- Rối loạn hệ thần kinh, khiến trẻ hay giật mình khi ngủ: Canxi cũng tham gia vào hoạt động dẫn truyền thần kinh của cơ thể. Bởi vậy, thiếu canxi sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến tình trạng căng thẳng hoặc hưng phấn quá mức ở trẻ.
- Co giật các cơ: Thiếu Canxi cũng có thể gây ảnh hưởng đến các phản ứng trao đổi các ion qua màng tế bào và cuối cùng là dẫn đến tình trạng rối loạn, co giật các cơ.
- Hệ miễn dịch suy yếu: Canxi có vai trò quan trọng trong sự vận hành của hệ miễn dịch. Chính vì thế, nếu thiếu canxi sẽ gây ra suy giảm hệ miễn dịch và khiến trẻ rất dễ ốm vặt.
TẠI SAO TRẺ LẠI THIẾU CANXI?
Thiếu hụt canxi ở trẻ nhỏ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra:
- Khi mẹ bị thiếu canxi hoặc vitamin D khi mang thai rất nghiêm trọng, trẻ có thể có dấu hiệu còi xương khi sinh hoặc trong ba tháng đầu đời. Ngoài ra, một số bệnh lý của thai kỳ như canxi hóa nhau thai, vôi hóa nhau thai cũng gây ảnh hưởng đến sự hấp thu canxi của trẻ.
- Trẻ bị ngạt khi sinh nở: nhiều nghiên cứu cho thấy những sự cố sinh nở này có thể gây ảnh hưởng đến sự hấp thu, chuyển hóa các chất trong cơ thể trẻ, có thể gây ra các bệnh nguy hiểm, đặc biệt là bệnh tim.
- Nuôi con bằng sữa mẹ: hàm lượng vitamin D trong sữa mẹ rất thấp không cung cấp đủ nhu cầu vitamin D cho trẻ sơ sinh, nếu trẻ bú mẹ kéo dài, đồng thời lại tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thì sẽ bị thiếu vitamin D. Vitamin D là cầu nối giúp hấp thu canxi có trong sữa vào cơ thể trẻ, nếu thiếu vitamin D sẽ dẫn đến trẻ uống rất nhiều sữa nhưng không hấp thu canxi vào được, gây thiếu canxi.
- Các bệnh lý gây giảm hấp thu canxi như: đề kháng di truyền đối với vitamin D, do rối loạn chức năng của thụ thể vitamin D, suy thận mãn tính cũng có thể làm thay đổi chuyển hóa vitamin D. Các nguyên nhân khác gây thiếu hụt vitamin D do giảm hấp thu là xơ nang hoặc các rối loạn khác của chức năng tuyến tụy, cắt dạ dày hoặc phẫu thuật ruột đoạn dài, bệnh viêm ruột và các tình trạng kém hấp thu khác.
NHỮNG DẤU HIỆN THIẾU CANXI DỄ NHẬN BIẾT NHẤT
Trẻ biếng ăn, chán ăn: Khi không được cung cấp đầy đủ canxi, trẻ thường có dấu hiệu ăn không ngon miệng, dẫn đến chán ăn, biếng ăn.
Khó ngủ, ngủ không ngon giấc, hay khóc và giật mình trong đêm: Khi thấy con thường xuyên bị khó ngủ, ngủ không ngon giấc, hoặc thường xuyên bị giật mình khi ngủ, hay quấy khóc vào ban đêm, cha mẹ cần lưu ý vì đây rất có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị thiếu canxi. Thiếu canxi có thể gây ức chế hoạt động của hệ thần kinh trung ương khiến trẻ thường bị hưng phấn thái quá và gây ra những biểu hiện kể trên.
Trẻ thường xuyên bị đổ mồ hôi vào ban đêm: Những biểu hiện này rất thường gặp với những trẻ bị thiếu vitamin D và canxi, nhất là ở những trẻ 3 tháng tuổi. Vì thế các bậc cha mẹ không nên chủ quan với tình trạng trẻ bị ra mồ hôi nhiều vào ban đêm ngay cả khi trời không quá nóng.
Trẻ biết đi muộn hơn và có biểu hiện biến dạng xương khớp: Nếu bé chậm biết bò biết đi so với bạn bè cùng trang lứa hoặc có dấu hiệu biến dạng xương khớp, nhất là ở vùng chân thì rất có thể là do bé bị thiếu canxi.
Răng mọc chậm hay bị sâu răng: Như đã nói ở phía trên, canxi chính là thành phần chính cấu tạo nên xương và răng của chúng ta. Vì thế, khi thiếu canxi thì sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định với các bộ phận này, chẳng hạn như tình trạng mọc răng chậm hơn, răng mọc lệch, răng yếu, dễ bị sâu răng,…
Hay đau nhức chân, bị chuột rút: Đây là dấu hiệu thiếu canxi ở trẻ mà bố mẹ có thể dễ dàng nhận biết nhất. Vì khi thiếu canxi, xương của bé sẽ bị yếu và ảnh hưởng đến khả năng nâng đỡ cơ thể của khung xương. Bởi vậy, trẻ thường có biểu hiện đau nhức chân. Nếu bé phải mang vác vật nặng thì biểu hiện đau nhức chân sẽ càng rõ rệt hơn. Bên cạnh đó, trẻ bị chuột rút cũng chính là dấu hiệu của tình trạng thiếu canxi.
Trẻ nhận thức chậm: Thiếu canxi cũng ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ. Thông thường, khi bị thiếu canxi trẻ dễ bị rối loạn tâm lý, nhận thức chậm, khó khăn khi phải thích nghi với những sự vật, sự việc xung quanh mình.
Như vậy có thể nói rằng canxi rất quan trọng đối với trẻ em, đặc biệt cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Càng lớn thì nhu cầu canxi của trẻ sẽ càng tăng lên. Khi nhận thấy dấu hiệu thiếu canxi ở trẻ, mẹ cần bổ sung thêm canxi và vitamin D cho trẻ. Tuy nhiên không nên tự ý bổ sung mà cần đưa trẻ đi khám để được bác sĩ tư vấn và chỉ định về liều lượng canxi cần bổ sung để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho con.
CÁCH BỔ SUNG CANXI CHO BÉ
Có nên bổ sung canxi cho trẻ sơ sinh không?
- Trẻ sơ sinh từ chín tháng tuổi trở lên có thể bắt đầu ăn thức ăn giàu canxi như pho mát mềm, sữa chua.
- Bé trên hai tuổi đều có thể nhận được lượng canxi khuyến nghị bằng cách uống hai cốc sữa hoặc đồ uống bổ sung từ đậu nành mỗi ngày.
Liều dùng canxi phù hợp cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ
Cần cung cấp liều lượng canxi cần thiết đúng với nhu cầu của trẻ. Bổ sung canxi cho trẻ sẽ khác nhau tuỳ theo độ tuổi. Các mẹ nên tìm hiểu về nhu cầu canxi theo độ tuổi của trẻ để có chế độ dinh dưỡng phù hợp.
- Dưới 6 tháng tuổi: 300 mg/ngày
- Từ 7 - 12 tháng tuổi: 400 mg/ngày
- Từ 1 - 3 tuổi: 500 mg/ngày
- Từ 4 - 6 tuổi: 600 mg/ngày
- Từ 7 - 9 tuổi: 700 mg/ngày
- Từ 10 tuổi: 1000 mg/ngày
- Từ 11- 24 tuổi: 1200 mg /ngày
- Từ 24 - 50 tuổi : 800mg - 1000mg /ngày
- Phụ nữ có thai, người cao tuổi: cần 1200mg - 1500mg /ngày.
Các cách bổ sung canxi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Mẹ đang băn khoăn nên cho trẻ sơ sinh uống canxi loại nào? Trẻ sơ sinh nhận được đủ canxi từ sữa mẹ hoặc sữa công thức, hầu như không cần uống thêm thuốc canxi. Trẻ nhỏ và trẻ em trong độ tuổi đi học với chế độ ăn uống lành mạnh nhiều sữa khoảng 400-500ml/ ngày cũng đủ cung cấp nhu cầu canxi hàng ngày của cơ thể.
Bổ sung canxi thông qua thực phẩm là một trong những biện pháp hữu hiệu và an toàn nhất. Những thực phẩm giàu Canxi như sữa và các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai, váng sữa.. là một trong những nguồn canxi tự nhiên tốt nhất. Tuy nhiên hiếm hoi, một số trẻ em không thể ăn sữa thì sẽ phải lấy canxi từ các loại thực phẩm khác, chẳng hạn như các loại hải sản như tôm, cua, cá, sò... hay các loại rau như rau diếp, bắp cải, cải xoăn, cần tây ..., các loại đậu, hạnh nhân, mè và trứng... hoặc dùng thuốc canxi theo chỉ định của bác sĩ.
Không được bỏ qua việc cung cấp vitamin D, một dưỡng chất với nhiệm vụ cầu nối dẫn truyền để cơ thể hấp thụ canxi. Tuy nhiên, việc hấp thụ vitamin D qua đường thực phẩm không được hiệu quả, chính vì vậy cách tốt nhất là các mẹ nên cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời vào buổi sáng để có thể tự tổng hợp vitamin D tại da hoặc dùng các thuốc bổ sung vitamin D mỗi ngày.
Các khuyến cáo về lượng vitamin D bổ sung cho những người khỏe mạnh như sau:
- Trẻ sơ sinh đủ tháng cần: 400 đơn vị quốc tế (IU) hay 10 mcg mỗi ngày. Nếu trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn cần bổ sung vitamin D để đạt được mục tiêu này, cũng như một số trẻ bú sữa công thức dưới 1000ml/ ngày.
- Trẻ em từ 1 tháng đến 18 tháng tuổi: 600 IU (15 mcg) mỗi ngày.
Đối với trẻ bị còi xương, liều điều trị thiếu hụt vitamin D cao hơn như sau:
- Trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi cần bổ sung: 1000 IU (25 mcg) mỗi ngày cho đến ba tháng tuổi, sau đó là liều duy trì 400 IU (10 mcg) mỗi ngày.
- Trẻ sơ sinh từ 1 đến 12 tháng tuổi cần bổ sung: 1000 - 2000 IU (25 - 50 mcg) mỗi ngày cho đến ba tháng tuổi, sau đó là liều duy trì 400 IU (10 mcg) mỗi ngày.
- Trẻ em từ 1 đến 12 tuổi cần bổ sung: 2000 - 6000 IU (50 - 150 mcg) mỗi ngày trong ba tháng, sau đó là liều duy trì 600 IU (15 mcg) mỗi ngày.
- Trẻ em ≥12 tuổi cần bổ sung: 6000 IU (150 mcg) mỗi ngày trong ba tháng, sau đó là liều duy trì 600 IU (15 mcg) mỗi ngày.
Thực phẩm giàu canxi cho trẻ em: Dưới đây là một vài nguồn cung cấp canxi tự nhiên không phải sữa mà bạn có thể áp dụng cho bé:
Sữa và các sản phẩm từ sữa (phô mai, sữa chua), lòng đỏ trứng, nước cam,...
- Các loại ngũ cốc và hạt : Hạt đậu, gạo, hạt mè, hạnh nhân, hạt điều, quả óc chó...
- Các loại rau lá xanh thẫm: Rau chân vịt, rau cải thìa, rau cải xoăn, cải bó xôi...
- Thuỷ hải sản: Tôm , cua, nghêu, sò , ốc, hến,...
- Hấp thụ vitamin D bằng cách tắm nắng buổi sáng cho cả mẹ và bé. Nên tắm nắng cho trẻ vào buổi sáng hoặc buổi chiều vì đây là thời điểm ánh nắng mặt trời cung cấp nhiều vitamin D , nên cho trẻ mặc quần áo mỏng để tiếp xúc với ánh nắng hiệu quả nhất.
Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi thì bú mẹ hoàn toàn là biện pháp tốt nhất giúp bổ sung canxi. Còn với trẻ từ 7 tháng trở lên, đã có thể ăn dặm thì bên cạnh việc bú sữa, uống thêm sữa công thức, thì các mẹ có thể chế biến những thực phẩm giàu canxi để bổ sung vào thực đơn ăn dặm của trẻ.
Việc bổ sung canxi cho trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh cần được xác định bởi bác sĩ chuyên khoa nhi và chuyên khoa dinh dưỡng, tùy theo từng độ tuổi bé, nhu cầu của từng bé để bổ sung canxi hợp lý. Bố mẹ không nên tự ý dùng các sản phẩm thuốc nhằm bổ sung canxi cho trẻ, việc sử dụng cần có hướng dẫn của bác sĩ.Đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ còn đang bú mẹ thì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính, đồng thời là nguồn bổ sung canxi hiệu quả.
Sai lầm khi bổ sung canxi cho trẻ
Canxi giữ vai trò quan trọng nhưng cơ thể không tự tổng hợp được. Canxi cần được bổ sung từ bên ngoài theo nhu cầu của trẻ. Tuy nhiên, nếu bổ sung canxi quá nhiều gây dư thừa sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Một số biến chứng do dư thừa canxi có thể là:
- Canxi lắng đọng tại thận gây nên tình trạng vôi hóa thận, sỏi thận.
- Canxi lắng đọng tại khớp gây vôi hóa khớp, đau khớp.
- Canxi lắng đọng tại tim gây ra bệnh tim mạch.
- Trẻ thường xuyên bị táo bón do dư thừa canxi.