[Giúp bé ngủ ngon] 8 điều cần biết về giấc ngủ của em bé
-
Người viết: Mẹ Ơi
/
MỤC LỤC [Hiện]
Đối với người lớn, giấc ngủ rất quan trọng vì giấc ngủ giúp hồi phục lại sức khỏe sau một ngày dài mệt mỏi, nạp lại năng lượng cho ngày mai. Còn đối với trẻ em thì giấc ngủ quan trọng hơn người lớn rất rất nhiều lần, vì giấc ngủ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ cả về thể chất lẫn trí tuệ. Về thể chất, cơ thể trẻ trong lúc ngủ sẽ sản xuất hóc môn tăng trưởng, hoàn thiện hệ miễn dịch hơn, vì thế nên trẻ thường cần ngủ nhiều hơn trong giai đoạn phát triển. Về trí tuệ, khi trẻ ngủ là thời gian não điều chỉnh và tăng thêm năng lượng, giúp trẻ học, phát triển trí nhớ, phát triển toàn diện về tinh thần. Ngược lại, trẻ càng thức khuya càng làm giảm sự nhận thức, giảm sức đề kháng cũng như chiều cao, thể chất, ảnh hưởng đến tính khí, học tập và hành vi của trẻ trong tương lai.
Giấc ngủ quan trọng với trẻ như thế nào?
Trẻ em thường ngủ nhiều hơn người lớn, và có các đặc điểm như:
- Giấc ngủ của bé rất ngắn, chỉ kéo dài khoảng 20 - 50 phút mỗi chu kỳ. Trong mỗi chu ngủ đó, giấc ngủ động (REM) chiếm đến 50%
- Trong lúc ngủ, trẻ sơ sinh rất dễ bị đánh thức và bị tỉnh ngủ khi có tiếng động nhỏ, đặc biệt khi ở trong giấc ngủ động.
- Khi trẻ ngủ, các cơ quan trong cơ thể sẽ hoạt động nhiều hơn lúc trẻ thức, các biểu hiện như trẻ thở nhanh, tim đập nhanh và não tăng chuyển hóa nhanh hơn ...
Vậy giấc ngủ đóng vai trò quan trọng cả về thể chất và tinh thần của bé như thế nào?
- Đối với trẻ nhỏ, ngủ là hoạt động quan trọng giúp não phát triển, chỉ trong 1 tháng đầu số lượng tế bào não của trẻ đã phát triển lên tới 80% so với trẻ được 3 tháng tuổi. Tỷ lệ này cũng tương đương khi trẻ được 3 tuổi nhưng có số lượng tế bào não phát triển đến 80% so với người trưởng thành.
- Về thể chất, khi trẻ ngủ, hóc môn tăng trưởng được sản xuất rất nhiều có lợi cho việc phát triển xương, cơ.
- Về tinh thần, trẻ sẽ có nhận thức tốt, trí nhớ tốt về tương lại, điều này rất tốt cho sự phát triển sau này của trẻ.
Ở các giai đoạn khác nhau, giấc ngủ của trẻ sẽ thay đổi như thế nào?
Tùy vào giai đoạn phát triển khác nhau thì giấc ngủ của trẻ cũng thay đổi, cụ thể như sau:
- 1 tuần tuổi - 2 tháng tuổi: Từ lúc trẻ sinh ra đến khi được khoảng 1 tuần đầu tiên, trẻ sẽ ngủ rất nhiều, ngủ bất kì thời gian nào trong ngày. Giai đoạn mới sinh, trẻ có thể ngủ lên đến 20 giờ/ngày và chỉ dành ra khoảng 2 tiếng bú sữa. Khi trẻ bước đến giai đoạn 2 tháng tuổi, thời gian trẻ ngủ sẽ giảm ít đi hơn trước nhưng vẫn sẽ rơi vào khoảng 16 - 18 giờ/ngày.
- 3 tháng tuổi - 6 tháng tuổi: Giai đoạn này, giấc ngủ của trẻ cũng đã ít đi và dài hơn, trẻ đã có thể ngủ theo nhu cầu nếu được rèn luyện. Trung bình trẻ ngủ từ 14 - 16 giờ/ngày, nhưng ban ngày trẻ có thể rút ngắn lại từ 3,5 - 5,5 giờ còn ban đêm sẽ dài hơn giai đoạn trước khoảng 9,5 - 11,5 giờ.
- 6 tháng tuổi - 12 tháng tuổi: Đây là giai đoạn trẻ thay đổi để dần hoàn thiện giấc ngủ hơn. Trẻ bắt đầu hình thành giờ ngủ, nhịp sinh học, trẻ có thể ngủ 14 tiếng/ngày nhưng sẽ giảm xuống chỉ còn 2-3 giấc/ngày.
- 1 tuổi - 5 tuổi: Lúc này trẻ thay đổi nhiều nhất và giấc ngủ cũng gần giống với người lớn nhất. Trẻ có thể ngủ 10 - 12 tiếng/ngày. Lúc này ba mẹ nên hình thành cho bé một nhịp sống khoa học cho bé làm quen, rèn luyện.
8 bước để trẻ có giấc ngủ lành mạnh
Một giấc ngủ lành mạnh đòi hỏi 4 yếu tố: ngủ đầy đủ, ngủ không bị gián đoạn, thời gian ngủ hợp lý và nhịp ngủ phù hợp với đồng hồ sinh học của bé. Nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ không có một giấc ngủ tốt nhưng chủ yếu do ba mẹ chưa thiết lập một thói quen ngủ khoa học cho trẻ, khiến những sinh hoạt của trẻ không nhất quán, cơ thể phải thay đổi liên tục để quen dần với lịch trình đó hoặc cũng do ban ngày trẻ ngủ quá nhiều dẫn đến đêm sẽ bị ngủ muộn từ đó sẽ đảo lộn đồng hồ sinh học của bé. Dưới đây là 8 điều để bé có một giấc ngủ lành mạnh mà ba mẹ không thể bỏ qua:
Thiết lập thói quen đi ngủ
Ba mẹ nên làm một việc lặp đi lặp lại hằng ngày theo cùng một trật tự, cùng một thời điểm để hình thành thói quen đi ngủ cũng như thúc đẩy cho bé giấc ngủ ngon. Ba mẹ có thể cho trẻ tắm bằng nước ấm giúp thư giãn, sẵn sàng cho giấc ngủ. Đối với những trẻ lớn hơn một chút thì có thể cùng ba mẹ đánh răng trước khi đi ngủ vừa giúp hình thành thói quen vừa bảo vệ bé trước nguy cơ sâu răng. Khi trẻ đã lên giường, hãy khuyến khích trẻ đọc sách hoặc kể cho bé những câu chuyện với giọng điệu nhẹ nhàng, du dương, đều đều hoặc trò chuyện với ba mẹ, rời xa tivi hoặc mạng xã hội trước khi ngủ khoảng 30 phút.
Giữ giấc ngủ và thức giấc đều đặn
Tạo cho bé thời điểm đi ngủ và thức dậy cố định giúp ổn định đồng hồ sinh học, cơ thể sẽ tuân theo một lịch trình cố định, tránh gây mệt mỏi, tinh thần thiếu sức sống.
Biết rõ trẻ cần ngủ bao nhiêu giờ
Tùy vào độ tuổi khác nhau mà thời gian bé ngủ cũng khác nhau. Ví dụ, một trẻ khi lớn lên, sẽ bắt đầu ngủ ít hơn vào ban ngày và nhiều hơn vào ban đêm, và thời gian ngủ của trẻ cũng rút ngắn lại. Vì vậy, trẻ em ở mọi lứa tuổi cần ngủ đủ theo nhu cầu để có thể chơi, học và tập trung trong ngày.
Đảm bảo ánh sáng và tiếng ồn trong phòng trẻ
Một không gian lý tưởng nếu đáp ứng được những điều kiện như sau ánh sáng tối, yên tĩnh, thông thoáng, gọn gàng, sạch sẽ. Tránh những ánh sáng xanh như ánh sáng từ tivi, màn hình máy tính, màn hình điện thoại, máy tính bảng trước khi đi ngủ tối thiểu 30 phút, những ánh sáng xanh có thể làm trì hoãn cơn buồn ngủ, cũng như ảnh hưởng đến chất lượng của giấc ngủ.
Tránh để bé ngủ quá nhiều trong ngày
Khi trẻ tầm 3 - 5 tuổi sẽ không ngủ ngày nhiều như giai đoan trước, đa số trẻ lúc này sẽ chỉ ngủ ngắn buổi trưa. Ba mẹ nên chỉ cho trẻ ngủ từ 20 - 30 phút, không để trẻ ngủ quá đầu giờ chiều. Những giấc ngủ dài và muộn hơn có thể khiến trẻ khó ngủ vào ban đêm.
Đảm bảo trẻ cảm thấy an toàn vào ban đêm
Nếu trẻ bị mắc chứng sợ bóng tối, ba mẹ có thể khích lệ con hoặc khen thưởng con bằng những quà tặng cụ thể để trẻ có động lực hơn. Hạn chế cho trẻ xem những bộ phim kinh dị, dễ gây ám ảnh, thay vào đó có thể cho bé chơi những đồ chơi nhẹ nhàng giúp bé phát triển trí não ghép gỗ, xếp hình, chơi một bản nhạc nhẹ. Một số trẻ sợ hãi khi đi ngủ có thể cảm thấy tốt hơn khi có đèn ngủ.
Ăn đủ no và đúng thời gian
Hãy đảm bảo rằng, trẻ có một bữa tối đầy đủ, hợp lý, không quá no cũng không quá đói. Khi quá no hoặc quá đói sẽ khiến trẻ tỉnh táo hơn hoặc thấy không thoải mái. Điều này sẽ khiến trẻ khó ngủ hơn. Vào buổi sáng, một bữa ăn sáng lành mạnh sẽ giúp khởi động đồng hồ sinh học của trẻ đúng thời gian.
Tránh các loại thức ăn, nước uống chứa cafein
Cafein có trong nước tăng lực, cà phê, trà, sô cô la và soda. Khuyến khích con bạn tránh những thứ này vào cuối buổi chiều và buổi tối.
Hãy kiên nhẫn thực hiện những hành động này để cải thiện chất lượng giấc ngủ tốt nhất cho con ba mẹ nhé. Xin chú các gia đình thành công trong việc thiết lập một thói quen ngủ lành mạnh cho con trẻ.