TƯ THẾ BẾ TRẺ ĐÚNG CÁCH THEO TỪNG GIAI ĐOẠN

MỤC LỤC [Hiện]

Bế bồng là việc mà các ba mẹ phải làm hàng ngày từ khi sinh bé cho đến khi bé đã cứng cáp, tự đi lại được. Nhưng lần đầu tiên được lên chức nhiều ba mẹ sẽ không tránh khỏi lúng túng khi bế trẻ. Bế trẻ sơ sinh như thế nào cho đúng kĩ thuật, không làm ảnh hương tới sự phát triển của trẻ. Tham khảo bài này để hiểu rõ cách bé và các tư thế bế trẻ sơ sinh đúng, phù hợp với từng giai đoạn.
Trẻ em mới sinh, đặc biệt trong 1 tháng đầu tiên thường rất yếu ớt và chưa hoàn thiện toàn diện. Vì vậy, phải chăm sóc cẩn thận bé. Bế bé đúng cách không chỉ giúp trẻ thoải mái mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ sau này. Trẻ khi được ôm ấp, bế ẵm sẽ cảm thấy được che chở, bảo vệ, gắn kết tình cảm với ba mẹ, gia đình hơn.

Cách bế trẻ theo từng giai đoạn

Bế trẻ từ 0 - 2 tháng tuổi

Bế nằm ngửa
Lúc này bé mới ra đời, các bộ phận trên cơ thể rất mềm, yếu nên cần sự cản thận, chu đáo từng chút khi bế bé. Tốt nhất vào giai đoạn này, ba mẹ nên bế bé theo tư thế nằm ngửa, hạn chế tối đa bế thẳng lưng (bế vác vai) sẽ không tốt cho cơ thế của bé. Bởi vì cơ thể bé có phần đầu chiếm 25% chiều dài toàn thân. Vậy nên, khi bế thẳng lưng bé, tránh bé làm sao để trọng lượng lớn của phần đầu đề xuống. Điều này không tốt cho sự phát triển sau này của bé.
Ở tư thế bé ngang, mẹ sẽ bế trẻ theo tư thế nằm ngang để áp lực không dồn lên cột sống của trẻ bằng cách dùng tay đỡ phần đầu, lưng, cổ và mông của bé. Để bế bé theo tư thế này, mẹ thực hiện theo các bước sau:
  • Bước 1: Dùng một tay đỡ đầu em bé, lòng bàn tay đỡ trọn phần đầu và cổ, sau đó dùng toàn bộ cánh tay đỡ dọc theo lưng em bé và dùng tay còn lại đỡ mông em bé.
  • Bước 2: Dùng cả 2 tay nâng em bé lên từ từ đến ngang ngực và áp sát vào người mẹ sao cho bé và mẹ đều cảm thấy thoải mái nhất.

 

Trong các cách bế trẻ sơ sinh mới đẻ thì đây là tư thế an toàn và dễ thực hiện nhất. Tư thế này rất thuận tiện để mẹ cho bé bú và dỗ dành bé. Đồng thời, mẹ cũng có thể dễ dàng bế bé bằng 1 tay và dùng tay còn lại để làm việc khác mà không ảnh hưởng gì.

Trong trường hợp ba mẹ muốn dỗ bé tránh trớ sữa, nôn ọe theo kiểu bế thẳng lưng thì nên dựa thân trẻ vào ngực bạn và đỡ lấy phần đầu trẻ tựa vào vai thật nhẹ nhàng, cần hạn chế tối đa kiểu bế này.

Khi đặt bé xuống

Bé luôn thích được mẹ ôm ấp trong lòng, vì thế, đặt bé xuống luôn là điều khó khăn với mẹ bỉm. Khi đặt bé xuống, lúc đầu con rời tay mẹ là lúc bé dễ khóc đòi mẹ nhất! Mẹ chú ý dùng cả hai tay nâng đỡ và hạ đầu bé xuống nhẹ nhàng, cẩn thận để con an tâm nằm trên giường, trên nôi mẹ nhé!

  • Bước 1: Dùng một tay đỡ đầu, một tay đỡ mông bé đưa bé về phía giường, nôi…
  • Bước 2: Đặt chân và mông bé xuống nôi, sau đó, rút cánh tay đỡ mông bé ra, giữ nguyên tay đang đỡ đầu bé.
  • Bước 3: Đưa bàn tay vừa đỡ mông bé lên đỡ đầu bé, dùng cả hai tay nhẹ nhàng đặt đầu bé xuống. 
  • Bước 4: Chỉnh lại tư thế để bé nằm thẳng; đầu, cổ , lưng và mông thẳng hàng, không cong vẹo, ảnh hưởng đến cột sống.

Bế trẻ từ 3 - 5 tháng tuổi

Ba tháng tuổi, bé đã biết lẫy. Cơ thể bé đã cứng cáp hơn một chút, mẹ có thể chọn cách bế trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi ở tư thế nghiêng; bế thẳng đứng và bế nằm ngang. Tuy phần đầu bé đã tự giữ thẳng được nhưng cơ lưng trẻ vẫn chưa “cứng” hoàn toàn nên mẹ vẫn cần nâng nhẹ thôi nhé. Mẹ cũng không nên bế thẳng lưng bé đến khi cơ thể bé thực sự hoàn thiện.

Các ba mẹ đang tham khảo cách bế trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi thẳng lưng thì nên áp dụng hướng dẫn sau

  • Bước 1: Đặt một tay đỡ mông, một tay đỡ đầu bé.
  • Bước 2: Từ từ bế bé lên ngang ngực mẹ.
  • Bước 3: Hạ tay đỡ mông và nâng tay đỡ đầu bé lên để xoay người bé để bé về tư thế “đứng”, bé nằm dọc song song với người mẹ, đầu và bụng bé tựa sát vai và ngực mẹ.
  • Bước 4: Chỉnh lại tư thế để mẹ cảm thấy thoải mái nhất, một tay đỡ mông, một tay đỡ lưng và cổ bé. Mẹ lưu ý để mặt bé hướng ra ngoài giúp con dễ thở hơn nhé.
Ngoài ra, mẹ có thể bế đứng bé bằng cách cho bé ngồi trên 1 cánh tay, mặt bé hướng ra ngoài, cánh tay còn lại vòng qua bụng và ngực để đỡ người bé. Tư thế này giúp bé được thoải mái quan sát thế giới xung quanh, chắc chắn bé sẽ rất thích đấy ạ.
Bế vò rượu
Đây là cách bế trẻ sơ sinh áp dụng với các bé đã cứng cổ. Khi bế toàn bộ phần đầu lưng của bé sẽ dựa sát vào người mẹ, mặt bé hướng ra ngoài, 1 tay mẹ vòng qua ôm bụng và ngực bé, tay còn lại đỡ mông. Tư thế này giúp trẻ quan sát được mọi thứ xung quanh và dễ dàng trò chuyện với người đối diện.

Bế trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên

Bé từ 6 tháng tuổi đã cứng cáp hơn, mẹ bế bé nằm ngang hay bế đứng bé đều được. Với tư thế này, mặt bé sẽ quay về phía trước, đặt phần hông của bé đối diện với hông của người bế, sau đó dùng tay ôm quanh phần eo bé và giữ chặt bé. Với tay còn lại, mẹ có thể cho bé ăn hoặc làm công việc khác nhưng hãy sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra.

 

 
Tuy nhiên, mẹ lưu ý: tuyệt đối không bế cắp nách bé khi bé chưa đủ 12 tháng tuổi. Giai đoạn này, xương chân bé chưa được định hình hoàn toàn. Bế cắp nách dễ làm xô lệch xương chậu, xương đùi và cẳng chân, khiến bé bị chân vòng kiềng, chân chữ X, chữ O.

Một số lưu ý cần biết khi bế trẻ sơ sinh

Ngoài biết cách bế bé đúng cách, ba mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:
  • Trẻ sơ sinh cần được đỡ phần đầu và mông. Khoảng cách bế trẻ sơ sinh đó là cách mặt mẹ khoáng 30 - 45 cm
  • Cần vệ sinh tay sạch sẽ trước khi bế bé
  • Ba mẹ nên tháo phụ kiện, trang sức trên tay, cổ hoặc tai để tránh trầy xước làn da mỏng manh của bé trong khi bế. Có thể xoa hai bàn tay để tạo hơi ấm trước khi bế bé.
  • Cố gắng giao tiếp với bé trong lúc bế, chẳng hạn như cười, trò chuyện, hát ru, đung đưa khi trẻ quấy khóc.
  • Với cách bế trẻ lên từ giường, mẹ ôm chặt bé, 2 mặt kề sát nhau trong khi đang cố định cơ thể bé vào ngực mình.
  • Với trẻ từ 0 -2 tháng tuổi, còn đang bú, mẹ có thể bọc bé trong khăn để tạo cảm giác yên tâm cho con khi bú mẹ.
  • Quan sát xem bé có thấy khó chịu không để kịp thời điều chỉnh.
  • Cách bế bé quan trọng nhất là giữ đầu bé thoải mái để bé có thể di chuyển và thở
  • Cố gắng tiếp xúc da chạm da với bé để tăng cường tình cảm giữa mẹ và bé
  • Nếu mẹ cảm thấy lo lắng khi bế bé, hãy ngồi xuống và từ từ bế bé lên
  • Mẹ có thể sử dụng địu em bé để hỗ trợ nếu phải bế bé trong thời gian dài

Trên đây là những cách bế trẻ sơ sinh đúng kỹ thuật và phổ biến nhất. Mong rằng với những kiến thức và hướng dẫn ở trên, các bố các mẹ sẽ không còn lóng ngóng khi lần đầu bế bé và chăm sóc trẻ sơ sinh.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.